Nghiệm thu 5 quy trình công nghệ thuộc dự án KH&CN cấp tỉnh Thừa Thiên Huế mã số TTH.2021-KC.26 do PGS.TS. Nguyễn Duy Quỳnh Trâm chủ nhiệm dự án

Ngày 3/7/2023, hội đồng đánh giá và nghiệm thu 5 quy trình công nghệ thuộc dự án Khoa học và Công nghệ cấp Tỉnh Thừa Thiên Huế với tên dự án “Sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen (Hermetia illucens Linnaeus, 1758) làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế tại Thừa Thiên Huế”, mã số: TTH.2021-KC.26.

Hội đồng đã đánh giá cao và thông qua các quy trình. Các bước tiến hành của các quy trình rõ ràng, khoa học và dễ tiến hành lặp lại.

Một số kết quả nổi bật của các quy trình như sau:

Quy trình 1: Quy trình nuôi ruồi lính đen từ phế phụ phẩm nông nghiệp.

Quy trình gồm 5 bước. Bước 1: Chuẩn bị cơ sở vật chất và thức ăn (chất nền); Bước 2: Ủ trứng; Bước 3: Nuôi ấu trùng; Bước 4: Thu kén; Bước 5: Nuôi thành ruồi và cho giao phối tái đàn. Quy trình khá hiệu quả ở quy mô nông hộ. Với chi phí bỏ ra 5.320.000đ sau 10 ngày nuôi lãi ròng 4.680.000đ. Tỷ suất lợi nhuận cao gần 88%. Quy trình đã sử dụng chất nền như bã đậu phụ tươi, cá tạp, nội tạng động vật, cháo loãng, rau củ hỏng, cám gà… với các tỷ lệ phối trộn các loại chất nền khác nhau nuôi ruồi lính đen (RLĐ) trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm môi trường tại Thừa Thiên Huế. Kết quả quy trình đã cho sinh khối ổn định, cao và khả năng tái đàn tốt. Quy trình đã cung cấp dữ liệu khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo. Quy trình có chú ý các biện pháp kỹ thuật nuôi RLĐ trong mùa nắng và mùa mưa ở điều kiện Thừa Thiên Huế. Như vậy quy trình có ý nghĩa thực tiễn tại địa phương.

Quy trình 2: Quy trình sản xuất thức ăn viên từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen.

Quy trình gồm 4 bước. Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu; Bước 2: Phối trộn thức ăn; Bước 3: Tạo viên; Bước 4: Bảo quản thức ăn. Quy trình có hiệu quả tốt trong việc tạo ra thức ăn dạng viên phù hợp cho các đối tượng nuôi nước ngọt như cá lóc, cá rô đầu vuông, ếch với nhiều kích cỡ thức ăn khác nhau cho các giai đoạn nuôi. Đây là quy trình sản xuất thức ăn viên đầu tiên tại Thừa Thiên Huế với mức thay thế 30% protein bột cá bằng protein ấu trùng ruồi lính đen để nuôi cá rô đầu vuông, cá lóc và ếch. Quy trình có ý nghĩa thực tiễn. Quy trình cung cấp các công thức phối trộn thức ăn cho các đối tượng ở các giai đoạn nuôi khác nhau. Dữ liệu có ý nghĩa khoa học tham khảo cho các nghiên cứu khác về dinh dưỡng và thức ăn.

Quy trình 3: Quy trình nuôi cá lóc bằng thức ăn sản xuất từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen.

Quy trình tiến hành nuôi cá lóc với 4 bước (bước 1: Chuẩn bị ao nuôi; bước 2: Chọn giống và thả giống; bước 3: Chăm sóc và quản lý ao nuôi; bước 4: Thu hoạch cá thương phẩm). Quy trình có tính hiệu quả. Thực tế, với 4 bước của quy trình áp dụng vào thực tế nuôi trong điều kiện môi trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ở ao đất với quy mô 3000 m2. Kích cỡ cá thả > 8,0 cm, mật độ thả 20 con/m2 ; FCR = 1,5 (đối với thức ăn sản xuất từ nguyên liệu ATRLĐ có hàm lượng protein ≥ 35%). Thời gian nuôi 6 – 7 tháng, tỷ lệ sống 70%, cỡ cá thu hoạch 300 – 500g/con. Năng suất 70 tấn/ha. Tỷ suất lợi nhuận khoảng 25,5%.

Một số hình ảnh từ Hội đồng nghiệm thu quy trình:

Bài viết: TVĐ, Hình ảnh: LMT