Giới thiệu về ngành học
Ngành học Bệnh học thủy sản với sứ mạng đào tạo những kỹ sư bệnh học thủy sản cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên & cả nước sau gần 15 năm hình thành đã đào tạo trường gần 500 sinh viên chất lượng, đạt chuẩn cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Tính đến 2020, cán bộ giảng viên cơ hữu của bộ môn gồm 11 người với 100% trình độ sau đại học. Khối lượng kiến thức ngành học bệnh học thủy sản được đào tạo trong 4,5 năm với tổng khối lượng 150 tín chỉ chia thành 03 khối: đại cương – cơ sở – chuyên ngành, trang bị cho người học những kiến thức chuyên sâu về các loại bệnh như: bệnh do nấm, ký sinh trùng; bệnh do vi khuẩn, vi rút; từ đó ứng dụng vào quá trình sản xuất cũng như quản lý các hệ thống nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là công tác phòng và trị các loại bệnh, hoạt động kiểm dịch giống, kiểm định chất lượng sản phẩm thủy hải sản.
Vì sao bạn nên chọn ngành Bệnh học thủy sản?
- Kỹ sư bệnh học thủy sản đang thiếu hụt trầm trọng trên thị trường lao động:
Cùng với công nghiệp và dịch vụ, nông lâm thủy sản hàng năm vẫn đang giữ vai trò trụ cột trong sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Năm 2019 quy mô nền kinh tế nước ta cán mốc mới khi đạt ngưỡng 262 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng là 7,02% (cao nhất kể từ trước tới nay), giúp Việt Nam đứng trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu Thủy sản đạt hơn 8,6 tỷ USD, ngành thủy sản đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, vấn đề dịch bệnh trên các đội tượng thủy sản nuôi vẫn đang được xác định là mối nguy và thách thức lớn nhất, ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản nước nhà. Thực trạng thiếu hụt các kỹ sư – những người có kiến thức, kỹ năng trong phân tích, dự báo, chẩn đoán và phòng trị bệnh tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang là vấn đề được các doanh nghiệp, các trang trại nuôi trồng; các trung tâm kiểm dịch, kiểm định của các cơ sở, ban ngành trong cả nước quan tâm.
Có thể nói rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao về bệnh thủy sản đang được xem là mặt hàng rất khan hiếm trên thị trường lao động hiện nay và đang có xu hướng ngày càng tăng về yêu cầu tuyển dụng. Minh chứng cụ thể trong các năm từ 2014-2020 tại khoa Thủy Sản, mỗi năm chúng tôi đều nhận được những đề nghị tuyển dụng từ các công ty cả trong và ngoài nước (Công ty cổ phần Minh Phú Aquamekong; Công ty cổ phần CP Việt Nam; Tập đoàn BIM; Công ty cổ phần UV Việt Nam; Công ty Thăng Long; Công ty Toàn Cầu; Công ty Uni-President, Công ty TNHH Thần Vương, Công ty TNHH TMDV vật tư nông nghiệp Minh Hưng… với tổng chỉ tiêu tuyển không giới hạn; 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay trong 06 tháng đầu tiên sau khi ra trường, gần như năm nào số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng; một bộ phận nhỏ (10%) chưa có việc làm ngay do chưa đáp ứng hết tiêu chí nhà tuyển dụng mà đa số là do thái độ chưa phù hợp với công việc;
- Cố đô Huế là miền đất học an toàn và trong lành
Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm, ĐHH tọa lạc giữa đất kinh thành thuộc phía Bắc của thành phố Huế, một thành phố nổi tiếng về sự mộng mơ và cổ kính, chứa đựng trong mình nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại, đặc trưng là khu Kinh thành Đại Nội và hệ thống Lăng tẩm của các đời Vua, Chúa.
Tại đây sinh viên sẽ được học tập trong một bầu không khí trong lành bởi Huế được xem là thành phố nhiều cây xanh nhất cả nước, an toàn và thân thiện. Tới đây bạn sẽ cảm nhận được một cuộc sống nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của người miền Trung; không ồn ào tấp nập và vồn vã như Hà Nội, TPHCM; không quá sôi động như Hải Phòng hay Đà Nẵng; Huế mang trong mình những nét rất riêng mà người ta vẫn hay gọi đó là “rất Huế”. Bạn sẽ được trải nghiệm 04 năm đại học trong một nhịp sống vừa phải, có nhiều không gian vui chơi, mua sắm, giải trí bên cạnh những giờ học trên giảng đường bởi hiện tại Vincom, BigC, Tràng Tiền Plaza…đều đã có trụ sở tại Huế; đặc biệt là thưởng thức các món ẩm thực mang đặc trưng xứ Huế;
- Khoa thủy sản chúng tôi cam kết một môi trường giáo dục & đào tạo hiện đại, chuyên nghiệp
Trường Đại học Nông lâm với hệ thống giảng đường rộng 7.840m2, Trung tâm thư viện 2.400m2; Hệ thống nhà xưởng và trung tâm thực hành 3.362m2, toàn bộ đều được trang bị hệ thống wifi-free tốc độ cao đảm bảo đáp ứng nhu cầu tự học mọi lúc mọi nơi trong thời đại công nghệ 4.0.
Sinh viên của ngành cũng như toàn trường được bố trí học 04 tiết/buổi, thời lượng mỗi tiết 50 phút theo hệ thống đào tạo tín chỉ, đảm bảo theo chuẩn quốc gia và quốc tế; Với đội ngũ cán bộ giảng viên bộ môn Bệnh thủy sản nói riêng và Giảng viên toàn khoa Thủy sản nói chung, đa số được đào tạo sau đại học tại các quốc gia phát triển như Anh Quốc; Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản…bộ môn và khoa luôn kết nối, cập nhật những kiến thức của thời đại để trang bị cho các bạn học viên;
Ngay từ năm một, các bạn sinh viên đã có cơ hội tham gia Nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp cùng các nhóm sinh viên anh chị khóa trước dưới sự hướng dẫn của thầy cô với sự hỗ trợ tài chính tối thiểu 15 triệu đồng/đề tài; tham gia vào các đề tài NCKH cấp trường, cấp Đại học Huế và các cấp cao hơn; đặc biệt là các chương trình, cuộc thi Sáng tạo – Khởi nghiệp do nhà trường đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức;
Với đặc thù của ngành, các bạn sinh viên bên cạnh những giờ học lý thuyết trên giảng đường sẽ được tiếp cận và thao tác trực tiếp trên mẫu vật và hệ thống trang thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất hiện nay trong lĩnh vực bệnh học thủy sản; Bộ môn Bệnh thủy sản hiện đang sở hữu và vận hành hai hệ thống phòng thí nghiệm (phòng lab): một chuyên về nuôi cấy, phân lập định danh nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn; một phòng chuyên về công nghệ sinh học phân tử với tổng chi phí đầu tư gần 10 tỷ đồng; Tại đây người học có thể rèn tay nghề với việc phân tích mẫu bệnh phẩm; nuôi cấy, phân lập định danh các tác nhân gây bệnh; đặc biệt hệ thống máy tại phòng Công nghệ sinh học cho phép phân tích, chẩn đoán sớm và xác định định tính các bệnh trên động vật thủy sản thông qua hệ thống máy PCR, hệ thống máy phân tích ELISA; chẩn đoán bệnh dựa trên mô bệnh học qua hệ thống máy LEICA;
Sau khi tiếp nhận những kiến thức cơ bản, sinh viên sẽ đi thực tế để rèn tay nghề tại các doanh nghiệp (Học kỳ doanh nghiệp), các Trung tâm kiểm định chất lượng nông lâm thủy hải sản (NAFIQUAD), các Chi cục thú y để tạo điều kiện cọ sát thực tế cho các bạn sinh viên; đặc biệt nhà trường còn có chương trình thực tập hưởng lương tại nước ngoài (internship) với các đối tác chính là ISRAEL, NHẬT BẢN, ĐÀI LOAN, CANADA…áp dụng cho các bạn sinh viên năm thứ 03 và sinh viên năm cuối, bên cạnh đó còn có khả năng tích lũy tài chính để sau khi tốt nghiệp ra trường khởi nghiệp với mức trung bình của sinh viên huaf (sinh viên ĐH Nông Lâm) dao động từ 150-250 triệu đồng sau khi kết thúc khóa thực tập;
Ngoài những giờ học kiến thức và thực hành, bộ môn cũng như khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thông qua các chương trình hoạt động của các chi đoàn, liên chi đoàn như: Hội thi tiếng hát sinh viên; Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp; Giải bơi lội truyền thống khoa thủy sản; Giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, quần vợt nam nữ sinh viên; Cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp Hồ Chí Minh; các phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội trại…được tổ chức thường niên vào mỗi học kỳ tạo điều kiện rèn luyện lành mạnh và bổ ích cho sinh viên của khoa; đặc biệt với hệ thống 20 câu lạc bộ và đội nhóm của Đoàn TNCSHCM nhà trường, các bạn có rất nhiều lựa chọn để thỏa sức đam mê, giao lưu, kết nối, chia sẻ cùng với sinh viên toàn khoa, toàn trường, toàn ĐHH và cả nước cũng như giao lưu với sinh viên quốc tế; tham gia vào các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện để thể hiện nhiệt huyệt tuổi thanh xuân;
Ngay sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên có thể ứng tuyển vào các vị trí việc làm trong các doanh nghiệp như kỹ sư phụ trách kỹ thuật nuôi; nhân viên phòng phân tích – kiểm định (KCS), nhân viên bán hàng (sale), các bạn có năng lực quản lý sẽ được tuyển vào các vị trí cao hơn như quản lý vùng thị trường, trợ lý giám đốc; Những thương hiệu lớn trong ngành thủy sản đang là đối tác chiến lược với khoa và bộ môn đã được chúng tôi liệt kê ở trên; ngoài ra các bạn cũng có thể ứng tuyển vào các trung tâm kiểm định như Nafiquad, Các chi cục Thú Y, các phòng Nông nghiệp, các Sở ban ngành theo hệ thống ngành dọc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại khắp các tỉnh thành trong cả nước; Những bạn có vốn ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh có thể vào làm việc cùng với các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các chương trình dự án đa quốc gia…
Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành để trang bị cho các bạn một hành trang vững chắc vào đời!
Để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp, xin vui lòng gọi tới hotline: 0944.781.212 – 0918.381.232 – 0905.376.055
BỘ MÔN BỆNH THỦY SẢN