Thả giống cá Nâu tái tạo nguồn lợi tại khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị và các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Cá Nâu, với chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng đã được xếp vào danh sách những loài thuỷ đặc sản, có giá trị kinh tế cao của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính vì vậy, chúng đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng trong các mô hình nuôi thương phẩm thuỷ sản nước lợ từ trước đến nay.

Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo cá Nâu đã được các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) tiến hành từ năm 2018. Đến nay, quy trình công nghệ sản xuất giống đã ổn định và áp dụng ở nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp nối thành công trong nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá Nâu Scatophagus argus, vừa qua, Trường ĐHNL, ĐHH đã phối hợp cùng với UBND các xã Quảng Lợi, Hương Phong, tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị thả cá Nâu giống vào các hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo tồn nguồn gen loài cá đặc sản này và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tại các địa phương.

Cá Nâu giống thả tái tạo nguồn lợi là sản phẩm của dự án cấp nhà nước “Sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá Nâu (Scatophagus argus). Mã số: NVQG-2023/DA.01” do PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm chủ nhiệm dự án và Trường ĐHNL, ĐHH là đơn vị chủ trì.

Khu vực được chọn thả giống cá Nâu được các nhà khoa học tham gia Dự án khảo sát kỹ lưỡng về mặt sinh thái bảo đảm phù hợp với đặc tính sinh học của loài và đặc biệt có sự bảo vệ nghiêm ngặt của cơ quan chức năng hoặc chính quyền thông qua các chi hội nghề cá tại các địa phương. Ngày 31 tháng 7 năm 2024, Trường ĐHNL đã gửi Công văn số 414, 415 và 416 đến chính quyền các xã Quảng Lợi, Hương Phong và Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để phối hợp thả giống tái tạo nguồn gen cá Nâu.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhóm nghiên cứu dự án đã phối hợp với Chi hội nghề cá Hà Công, xã Quảng Lợi và Chi hội nghề cá Hương Phong, xã Hương Phong thả 2 đợt tổng cộng gần 20 vạn cá Nâu giống vào đầm phá Tam Giang tại khu vực hai khu bảo vệ thuỷ sản Vũng Mệ và Cồn Sầy.

Đại diện UBND xã Quảng Lợi, Huyện Quảng Điền; Cán bộ Dự án, Đại diện Chi hội Nghề cá Hà Công tham gia thả giống.
Chi hội nghề cá Hà Công xã Quảng Lợi trực tiếp thả giống cá Nâu tái tạo nguồn lợi tại Khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Vũng Mệ.
Chi hội nghề cá Hà Công xã Quảng Lợi trực tiếp thả giống cá Nâu tái tạo nguồn lợi tại Khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Vũng Mệ.

 

Thả giống cá Nâu tái tạo nguồn lợi tại Khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cồn Sầy, Hương Phong.
Đại diện UBND xã Hương Phong, Cán bộ Dự án, Đại diện Chị hội Nghề cá Hương Phong tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi.

Tại tỉnh Quảng Trị, nhóm nghiên cứu dự án đã phối hợp với Ban quản lý biển đảo Cồn Cỏ thả 2 đợt với gần 10 vạn cá Nâu giống vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại đảo Cồn Cỏ

Ban chủ nhiệm Dự án làm việc với Ban Giám Đốc Khu Bảo Tồn Biển Đảo Cồn Cỏ, Tỉnh Quảng Trị.
Tiến hành thả giống tại khu bảo tồn biển Cồn Cỏ
Ban chủ nhiệm Dự án cùng với Ban Giám Đốc Khu Bảo Tồn Biển Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị tiến hành thả giống cá Nâu tái tạo nguồn lợi.

Hoạt động thả cá Nâu giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại các địa phương không những có ý nghĩa thực tiễn trong lĩnh vực bảo tồn quỹ gen, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc chia sẽ thành quả nghiên của các nhà khoa học của trường ĐHNL, ĐHH. Bên cạnh hoạt động thả cá giống, dự án còn hỗ trợ giống cá cho nhiều hộ dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong các mô hình nuôi cá Nâu thương phẩm trong ao đất và ao lót bạt.