Mỗi năm cứ tới mùa thi Đại học, Cao đẳng và Trường nghề là học sinh và phụ huynh luôn dành nhiều thời gian phân vân chọn nghề nào cho con mình. Bởi nghề nghiệp có khi ảnh hưởng tới sự thành bại của một đời người.
Dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường, quan niệm về ngành nghề cũng dần thay đổi có nhiều người nghĩ rằng học Đại học, Cao đẳng không phải là tấm vé duy nhất đưa thế hệ tương lai của chúng ta vào con đường thành công, mà còn nhiều con đường khác đơn giản hơn, đầu tư ngắn hơn như đi lao động xuất khẩu nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga,…). Thành ra, số lượng học sinh Trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp đăng kí vào các trường Đại học và Cao đẳng ngày một giảm sút. Theo Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết “Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 là 653.278, giảm 5,14% so với năm 2018”. Tuyển sinh năm 2020 cũng không khả quan hơn. Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), thống kê cho thấy đã có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (năm 2019 có hơn 886.000 thí sinh). Trong đó, số thí sinh đăng ký thi và xét tuyển Đại học, Cao đẳng là 643.122, chiếm 71,45% (năm 2019 có đến 653.000 thí sinh). Như báo Giáo dục đã đưa tin trước đó, nhiều địa phương gần 70% học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp phổ thông trung học mà không đăng ký xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.
Đồng nghiệp tôi căn dặn học trò rằng: “Kiếm sống là nhờ kỹ năng, chứ đâu dựa bởi tấm bằng đâu em”. Nhưng không phải ai cũng biết “Kỹ năng làm việc, kỹ năng sống, kỹ năng kết nối” không tự dưng mà có, phải trải qua một quá trình đào tạo, rèn giũa mới kết tinh trong mỗi chúng ta. Như Đăng Tấn có viết:
“Không có gì tự đến đâu Con
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
Mùa bội thu phải một nắng hai sương”.
Giáo dục Đại học, Cao đẳng là đào tạo ra người lao động “vừa hồng, vừa chuyên” giỏi về lý thuyết, vững về tay nghề chứ không phải đào tạo ra lớp người “toàn thầy, thiếu thợ” nói hay hơn làm. Bởi bên cạnh kỹ năng lao động họ còn có tư duy phương pháp luận để suy nghĩ, hành động chính xác khoa học và hợp lý. Vậy nên, để cho thế hệ tương lai chúng ta phát huy, phát triển toàn diện tài năng sở trường của mình thì việc nuôi dưỡng thể chất và bồi dưỡng tri thức tinh thần phải được đi liền với nhau. Chứ không nên vội vàng hướng con em mình vào con đường làm ăn kinh tế quá sớm, nếu không khi ngộ ra có thể đã quá trễ với thế hệ tương lai của mình.
Nhưng, Học gì? Học nghề gì, trường nào?
Những em học sinh học có học lực giỏi, có định hướng tốt từ cha mẹ trước hết tự hỏi bản thân “mình thích trở thành ai trong tương lai bác sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội, luật sư, thẩm phán hay kỹ sư công nghệ,…”. Cuộc đời của các em sẽ vui, sẽ hạnh phúc khi được sống và làm việc mình yêu thích. Đối với học sinh có học lực khá là con em nông thôn, khi không có được sự định hướng, dìu dắt từ gia đình, từ những người đi trước thì vào các Trường dạy nghề, nông nghiệp vẫn là con đường đúng đắn. Chúng ta, cần có nấc thang để phát triển thế hệ, từ bố mẹ là nông dân rất khó để các em một bước vượt hẳn lên nắm bắt các ngành công nghệ hiện đại thoát ly hẳn nông nghiệp. Vào học các trường thuộc khối nông nghiệp, nông thôn sẽ phát huy được sở trường của con em mình, ngược lại chúng ta sẽ hướng các em đi vào “sở đoạn”. Người ta thường nói “muốn nhanh thì phải từ từ”. Những ngành đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp như Thủy sản, Chăn nuôi thú y, Thú Y sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay, mang lại thu nhập cao. Bởi các em được đào tạo những gì thân thuộc, gần gủi với mình, tạo ra sản phẩm trực tiếp và phát huy được các tố chất vốn có của con em vùng nông thôn. Khoa Thủy sản; Chăn nuôi thú y; Cơ khí công nghệ – Chế biến thực phẩm, trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế là một trong những thí dụ điển hình. Trong 10 năm gần đây, sinh viên ra trường được rất nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước săn đón. Theo tổng hợp từ phòng đào tạo của trường (trong vòng 10 năm trở lại đây) tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn trên 90%. Nhiều cựu học sinh của trường đã trở thành những giám đốc khu vực, trợ lý chuyên môn của các tập đoàn lớn trong nước và thế giới. Có được thành tích như vậy bởi nhà trường và lãnh đạo các khoa đã làm tốt công tác đào tạo kết hợp với doanh nghiệp, đào tạo kết hợp với nhu cầu lao động của thị trường. Ngoài thị trường lao động trong nước nhiều nước trên thế giới cũng tìm đến nguồn lao động chất lượng này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel,…
Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Chọn nghề nào vừa đảm bảo mưu sinh cho bản thân, vừa yêu thích lại giúp ích cho sự phát triển của xã hội của đất nước ngoài sự định hướng, tư vấn của những người đi trước có kinh nghiệm, có tầm nhìn thì nhiều lúc cũng cần lắm một chữ “duyên”.
Hoàng Nghĩa Mạnh