Với mức đóng góp 4-5% hàng năm vào tổng sản phẩm thu nhập quốc nội (GDP), ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang khẳng định vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam.
Lãnh thổ Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi 3.260km bờ biển, hơn 1 triệu km vuông vùng biển đặc quyền kinh tế cùng 2.360 con sông, kênh rạch, các khu hệ đầm – phá đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển.
Năm 2023, Việt Nam có tổng diện tích nuôi nội địa 1,3 triệu hecta và 9,5 triệu lồng nuôi biển đã thu về sản lượng 5,4 triệu tấn thủy sản, đứng vị thế số 1 thế giới về xuất khẩu cá tra (kim ngạch 1,8 tỷ USD), số 2 về xuất khẩu tôm (chiếm 13-14% thị phần thế giới), số 3 về xuất khẩu thủy sản toàn cầu (tổng kim ngạch 9,2 tỷ USD) với thị trường hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng duy trì ở mức 12,77% một năm.
Những thành tựu ấn tượng kể trên có những đóng góp lớn của khoa học và công nghệ, giai đoạn 2018-2022 tổng cộng 56 quy trình được triển khai vào sản xuất.
Các hệ thống nuôi trồng tiên tiến như hệ thống tuần hoàn nước (RAS), hệ thống nuôi trồng đa dinh dưỡng tích hợp (IMTA), công nghệ nuôi thâm canh, góp phần cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu chất thải và nâng cao năng suất.
Chú trọng phát triển các công thức thức ăn chăn nuôi chuyên dụng cho từng đối tượng thuỷ sản giúp cải thiện hiệu quả tăng trưởng và tối ưu hóa tỷ lệ chuyển hóa thức ăn cho vật nuôi.
Đột phá trong việc phát triển con giống khi đã chọn tạo thành công 23 giống cá, tôm có chất lượng vượt trội với tốc độ tăng trưởng nhanh và tỷ lệ kháng bệnh cao. Công nghệ sản xuất giống cho các loài thuỷ sản chủ lực cũng đã được cải thiện, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nội địa.
Sản xuất thành công nhiều loại chế phẩm sinh học ứng dụng hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng nước ao nuôi, phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của con giống.
Hướng tới phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, Việt Nam xác định phương châm giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. So với tiềm năng vốn có, nghề nuôi biển chưa thực sự tương xứng khi tổng diện tích nuôi chỉ mới đạt 20%. Mục tiêu tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045 (1664/QĐ-TTg), sản lượng nuôi biển phấn đấu mục tiêu 1,45 triệu tấn và kim ngạch đạt từ 1,8 – 2 tỷ USD.
Một trong những sự kiện nổi bật của ngành thủy sản tới đây (từ ngày 9-11 tháng 10/2024) tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC) sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế chuyên ngành thủy sản tại Việt Nam – Aquaculture Vietnam 2024 quy tụ hơn 100 đơn vị đến từ hơn 20 quốc gia và vũng lãnh thổ. Độc giả quan tâm có thể truy cập tại https://www.aquafisheriesexpo.com/ để biết thêm thông tin chi tiết.
Biên tập bản tin: NNQ- KHOA THỦY SẢN HUAF